Nhắc đến Hàn Mặc Tử , chúng ta thường nói đến nhà thơ tài hoa, nhút nhát và bạc mệnh. Cuộc đời nhà thơ có nhiều điều bi thương, nhưng ông vẫn không ngừng sáng tạo, làm nên những tác phẩm bất hủ cho đời. Yến biết đến Hàn thi sĩ qua “Đây thôn Vỹ Dạ”. Và mình đã yêu cái chất “thơ”, chất “thương” mà Hàn mang lại.

Bài viết này Hải Yến Life tổng hợp từ nhiều nguồn tin khác nhau, không nhằm mục đích gì khác ngoài “tri ân” một hồn thơ điên mà mình yêu mến.

Tiểu sử Hàn Mặc Tử (HMT)

Hàn Mặc Tử tên thật là gì?

Ông còn được biết đến với một bút danh khác là Hàn Mạc Tử. Tên khai sinh là Nguyễn Trọng Trí, sinh ngày 22 tháng 9 năm 1912 tại Lệ Mỹ – Đồng Hới – Quảng Bình.

Những vần thơ của Hàn Mặc Tử được nhiều người yêu thích
Những vần thơ của Hàn Mặc Tử được nhiều người yêu thích

Hàn Mặc Tử quê ở đâu? Tổ tiên của Hàn người Thanh Hóa, gốc họ Phạm. Nhưng ông cố của Hàn là Phạm Chương vì liên quan đến quốc sự nên bị truy nã. Người con trai phải di cư vào Huế, đổi họ theo mẹ là Nguyễn.

Hàn Mặc Tử anh/chị/em ruột có những ai?

Cha của HMT là Nguyễn Văn Toản, lấy vợ Nguyễn Thị Duy. Sau đó sinh được 8 người con:

  1. Nguyễn Bá Nhân (tức nhà thơ Mộng Châu)
  2. Nguyễn Thị Như Lễ
  3. Nguyễn Thị Như Nghĩa
  4. Nguyễn Trọng Trí
  5. Nguyễn Bá Tín (người dời mộ gốc của HMT tại Quy Hòa về Ghềnh Ráng vào ngày 13/2/1959).
  6. Nguyễn Bá Hiếu
  7. Nguyễn Văn Hiền
  8. Nguyễn Văn Thảo

>> Xem thêm: Nhà văn Nguyễn Tuân – kẻ ngông cuồng dùng cả đời đi tìm cái đẹp.

Đôi nét về sự nghiệp và làm thơ

Nhà thơ Hàn Mặc Tử thể hiện tài năng từ rất sớm, khi mới 16 tuổi. Ông đã gặp gỡ Phan Bội Châu, và hồn thơ ít nhiều ảnh hưởng của chí sĩ này. Thậm chí ông từng có học bổng đi Pháp nhưng vì quá thân với Phan Bội Châu nên cân nhắc và đình lại.

Năm 21 tuổi, Hàn Mặc Tử quyết định vào Sài Gòn lập nghiệp. Tại đây ông làm phóng viên phụ trách trang thơ cho tờ Công Luận. Sau đó vài năm thì ông phát hiện mắc bệnh phong và đối diện với giai đoạn cuối của cuộc đời đầy khắc nghiệt khi tài năng đang nở rộ.

Hàn mặc tử chết vì bệnh gì? Mắc từ khi nào?

Nhắc đến danh sĩ này, thì những câu hỏi như Hàn Mặc Tử bị bệnh gì, từ khi nào là điều được rất nhiều người quan tâm.

Theo gia đình, những dấu hiệu đầu tiên của bệnh phong đã xuất hiện trên cơ thể thi sĩ từ những năm 1935. Khi ấy, ông chỉ cho rằng nó là một chứng phong ngứa mà thôi.

Mộ gió của Hàn Mặc Tử trên đồi thi nhân
Mộ Hàn Mặc Tử trên đồi thi nhân

Chỉ đến năm 1936 khi muốn chữa dứt bệnh ngứa để yên tâm vào Sài Gòn công tác ông mới biết mình mắc Phong. Khoảng thời gian từ năm 1938 – 1939, Hàn thi sĩ phải đối diện với những đau đớn dữ dội nhưng ông không hề khóc than hay la hét. Ông chỉ thể hiện nỗi đau của mình trong những bài thơ điên dại

Em của ông – Nguyễn Bá Tín cho biết, những ngày cuối trước khi vào trại phong Quy Hòa, da của Hàn đã khô cứng. Nhưng hơi nhăn ở bàn tay. Nguyên nhân là do nhà thơ phải vận dụng sức khỏe để kéo duỗi các ngón khi cầm muỗng ăn cơm. Không chỉ da tay, da toàn thân ông gần như khô cứng hoàn toàn.

Định kiến và lời đồn quanh bệnh tình cuộc đời Hàn Mặc Tử

Có nhiều lời đồn đại cho rằng, Hàn mắc bệnh giang mai, không phải bệnh phong. Lời đồn này xuất hiện vì ông mắc phong khi còn trẻ nhưng lại ra đi quá nhanh, rất bất thường so với những người bệnh khác.

Tuy nhiên, khi xét nghiệm thi thể của Hàn Mặc Tử, các bác sĩ thật sự tìm thấy trực khuẩn Hansen – nguyên nhân gây bệnh phong. Theo như Hàn kể lại, có một lần ông Hàn Mặc Tử và Mộng Cầm đi dạo ở lầu Ông Hoàng. Khi đi qua một nghĩa địa có ngôi mộ mới an táng thì gặp mưa. Hai người nhìn thấy những đốm nhỏ bay lên từ mộ, một thời gian sau thì ông phát hiện mình mắc bệnh phong.

Thời đó, thành kiến về căn bệnh này rất nghiêm trọng. Chính vì vậy nhà thơ và gia đình đã trốn tránh để không bị cách ly, hắt hủi. Bác sĩ Gour Vile của Trại phong Quy Hòa cho biết, không có bệnh nhân nào bị phong chừng ấy thời gian mà đã chết. Nguyên nhân gây ra cái chết của Hàn Mặc Tử là uống quá nhiều thuốc nam của lang băm. Điều này dẫn tới việc ông bị hỏng hết nội tạng, sau đó qua đời do chứng kiết lỵ kéo dài.

Một số bài viết thú vị:

Đôi dòng về bút danh Hàn Mặc Tử

Nhà thơ tài hoa này bắt đầu làm thơ từ năm 16 tuổi. Ban đầu, ông sử dụng hiệu là Phong Trần, rồi Lệ Thanh. Đến năm 1936, khi chủ trương ra phụ trương báo Saigon, ông mới đổi bút danh thành Hàn Mạc Tử.

Bút danh Hàn Mặc Tử nghĩa là chàng trai bút nghiên, chàng trai đứng cô đơn sau rèm
Bút danh Hàn Mặc Tử nghĩa là chàng trai bút nghiên, chàng trai đứng cô đơn sau rèm

Bút danh này có nghĩa là chàng trai đứng phía sau bức rèm lạnh lẽo, trống trải. Sau đó, bạn bè gợi ý ông nên thêm một mặt trăng vào bức rèm đó để lột tả rõ ràng cái cô đơn của con người giữa thiên nhiên mênh mông.

Và “mặt trăng khuyết” đã được Hàn thêm vào chữ Mạc thành ra chữ Mặc. Và bút danh của nhà thơ này cũng có nghĩa là “chàng trai bút nghiên” – bút danh đã gắn bó với chàng đến tận cuối đời.

Thơ Hàn Mặc Tử

Một số tác phẩm đã xuất bản của Hàn Mặc Tử
Một số tác phẩm đã xuất bản của Hàn Mặc Tử

Những chuyện tình của Hàn Mặc Tử

Hàn Mặc Tử yêu ai, yêu khi nào luôn là chủ đề được chú ý xoay quanh cuộc đời nhà thơ. Cả hư lẫn thực, những mối tình ấy đều gắn với những khoảng đời sâu đậm của ông.

Chị Trà – chút tình đầu ấp úng không nói được nửa lời yêu

Sau khi nhà thơ mất, Nguyễn Bá Tín đã ra cuốn sách “Hàn Mặc Tử  trong riêng tư”. Tác giả cho biết cô Trà là con gái út của một người cậu họ xa. Nên theo vai vế là chị họ của thi sĩ.

Hàn đã gặp cô Trà mấy lần bên nhà người chị họ có tên Phu. Do không thạo lễ nghĩa, không biết cách xưng hô nên Hàn ấp úng không biết nói sao cho phải với cô gái trẻ nhưng lại ở vai chị của mình.

Ngược lại, cô Trà nhận ra mình nhỏ tuổi, lại họ hàng đã rất xa xôi nên không hề câu nộ. Cô vẫn gọi Hàn là anh một cách thật sự thân tình.

Nói về mối tình này, ông Nguyễn Bá Tín cho biết:

Chị học xong tiểu học, nhưng cậu tôi không đồng ý cho học lên. Vị chị đẹp lắm, nên có nhiều nơi đã dạm ướp. Mà nếu tiếp xúc ở trường với nhiều bạn trai, ở thời đó vẫn có thể mang tiếng, ảnh hưởng đến một gia đình đạo đức.

Vì vậy, chị Trà ở nhà, chỉ dành thời gian đi học nữ công. Thỉnh thoảng chị đến giúp việc xếp báo, gửi báo đi cho tòa soạn Đức Mẹ.

Một bức hình giới thiệu những người tình của Hàn trong khu tưởng niệm
Một bức hình giới thiệu những người tình của Hàn trong khu tưởng niệm nhà thơ

Ở thời điểm những năm 1930, phụ nữ học hết tiểu học đã được xem là có học thức. Bản thân cô Trà đặc biệt yêu thích văn thơ, thường viết những bài độc đáo về thiếu nhi và đã được đăng trên tờ Đức Mẹ – nơi Hàn cộng tác. Vì vậy, trước đó ít nhiều Trà đã có chút ngưỡng mộ dành cho chàng trai tài hoa ấy.

Tuy nhiên, Hàn lúc đó chỉ là một cậu bé mới lớn, bản tính rụt rè. Cậu có những rung cảm, mến thương cho cô Trà mà không can đảm thổ lộ. Rồi thời gian vụt đi qua lúc nào không biết. Đến một ngày, cô Phu từ Huế vào thăm đã thông báo cô Trà sắp lấy chồng.

Nguyên văn trong cuốn sách kể lại như sau:

Mẹ tôi gặp lại chị Phu, chưa kịp nói chuyện gì thì chị đã oang oang nói:

  • O ơi, con tiếc quá trời, phải chi Trí ưng con Trà thì hay. Con bé thật đẹp, lại thùy mị dễ thương. Con đã để bụng lấy cho thằng Trí, Rứa Mà…

Rồi chị quay lại nhìn Trí và nói:

  • Con Trà có vẻ thương thắng Trí lắm, nó hỏi thăm luôn.

 

Lúc nghe những điều đó, Hàn sững người như phỗng đá. Nhưng rồi anh cười, chỉ vậy và lặng lẽ quay vào phòng làm việc của mình. Mối tình câm lặng với cô Trà cứ đến rồi đi thinh lặng để lại trong lòng Hàn một mối hận riêng tư và dài lâu nhiều năm sau.

Hàn Mặc Tử và Hoàng Kim Cúc

Người yêu của Hàn Mặc Tử là ai? Sẽ thật thiếu xót nếu không nhắc đến người đẹp Kim cúc trong câu thơ “Lá trúc che ngang mặt chữ điền” đã nổi tiếng trong sách giáo khoa.

Hoàng Kim Cúc – người đẹp nổi danh trong “Đây thôn Vỹ Dạ”

Một mối tình trong sáng khác được nhắc đến rất nhiều của Hàn chính là Hoàng Cúc. Nhắc đến nhà thơ này, Đây thôn Vỹ Dạ là tác phẩm nổi danh, được biết đến nhiều nhất. Và tác phẩm này đã được xác nhận là viết cho Hoàng Cúc. Vỹ Dạ cũng là nơi người đẹp mang tên loài hoa cùng cha mình lựa chọn ẩn cư.

Lâu nay, chúng ta thường nghĩ tình cảm giữa Cúc và Hàn là song phương. Nhưng từ những tài liệu để lại, chúng ta có thể nhìn nhận rõ ràng đó chỉ là tình đơn phương từ phía Hàn mà thôi.

Nhan sắc lay động của Kim Cúc thời trẻ
Nhan sắc lay động của Kim Cúc thời trẻ

Hoàng Cúc có tên đầy đủ là Hoàng Thị Kim Cúc. Nhưng tên hiệu của bà là Hoàng Hoa. Trong những bài thơ của mình, bà thường đề bút danh là Hoàng Hoa, Hoàng Hoa Thôn Nữ hoặc đôi khi là H.H.

Cái tên này, thực chất đã được Hàn nhắc tới trong những bài thơ của mình khá nhiều lần. Ví dụ một vài bài thơ như sau:

Thu về nhuộm thắm nét hoàng hoa

Sương đẫm trăng lồng bóng thướt tha

Vẻ mặt khác chi người quốc sắc

Trong đời tri kỷ chỉ riêng ta

 

Hay một đoạn khác:

 

Trời nhật nguyệt cầu vồng bắc tứ phía

Ôi hoàng hôn hồn phách đến nơi đây

Hương ân tình cho kết lại thành dây

Mong manh như lời nhớ thương hàng triệu.

 

Có 2 câu thơ rất tình cảm được cho là Hàn thi sĩ viết tặng Hoàng Cúc:

 

Xiêm áo hôm nay tề chỉnh quá

Muốn ôm hồn Cúc ở trong sương.

 

Hình ảnh nàng Cúc hiện lên trong thơ của Hàn thường xuyên, huyền ảo như khói sương. Điều này đủ để chúng ta tin rằng, Hàn thực sự thương yêu Hoàng Cúc vô cùng.

Hoàng Kim Cúc và mối tình buồn của Hàn Mặc Tử

Hoàng Cúc có người em họ tên Hoàng Tùng Ngâm. Người này là đồng nghiệp, làm chung sở đạc điền Quy Nhơn cùng với HÀn. Sau nhiều lần tới nhà bạn chơi, Hàn đã gặp và cảm mến Hoàng Hoa nhiều lắm.

Dù thật lòng yêu thương Kim Cúc, nhưng vẫn chỉ là mối tình câm về phía họ Hàn mà thôi
Dù thật lòng yêu thương Kim Cúc, nhưng vẫn chỉ là mối tình câm về phía họ Hàn mà thôi

Tuy biết được tâm tư của bạn, nhưng Hoàng Tùng Ngâm lại không hề mặn mà se duyên cho bạn. Hàn Mặc Tử liền tìm cách gặp riêng Hoàng Hoa vài lần, tuy nhiên sự tình chẳng đi đến đâu xa.

Nguyên nhân là do Hàn quá nhút nhát, còn Hoàng Hoa lại khép kín, e dè trước nam nhân. Một lý do khác nhiều người đồn đoán là do nhà Hàn theo đạo Thiên Chúa, còn Hoàng Hoa theo đạo Phật. Và những ngăn cách của tôn giáo đã phần nào cản trở đôi trẻ đến với nhau.

Sau này, Hàn chuyển vào Sài Gòn sống thì chuyện tình chưa thành đó cũng dứt hẳn. Nhưng phần nào nó vẫn để lại ít nhiều sương khói trong cuộc đời đa cảm của nhà thơ tài hoa.

Hoàng Cúc và bài thơ Đây Thôn Vỹ Dạ

Hình ảnh thôn Vỹ Dạ trong thực tế
Hình ảnh thôn Vỹ Dạ trong thực tế

Ngày 15/04/1971, Hoàng Hoa (đã 60 tuổi) đã gửi thư cho nhà nghiên cứu Quách Tấn. Trong thư bà viết như sau:

Về cô gái trong câu lá trúc che ngang mặt chữ điền mà ông hỏi có phải là tôi không? Thưa ông, bức ảnh đó chỉ là một bức ảnh phong cảnh, với một cô gái chèo đò.

Cô gái mà ông hỏi đó, vốn chỉ là do sức tưởng tượng của thi nhân mà hiện thành thôi. Số là năm 1939, Hoàng Tùng Ngâm viết thư về Huế cho tôi hay Hàn mắc bệnh nan y. Ngâm khuyên tôi nên viết thư thăm Hàn, để an ủi một tâm hồn bệnh tật và đau khổ.

Thay vì viết thư thăm, tôi đã gửi cho Hàn một bức ảnh phong cảnh carte-visite. Trong đó có mây nước, có chiếc đò ngang với cô gái chèo đò, có cả khóm tre, ánh trăng hay mặt trời đang chiếu xuống nước không rõ.

Tôi viết sau bức ảnh mấy lời hỏi thăm sức khỏe Tử, mà không ký tên. Sau đó gửi Ngâm nhờ trai lại cho Tử.

Một thời gian sau, tôi nhận được bài thơ Ở đây thôn Vỹ Dạ, và một bài thơ khác Ngâm gửi về. Không ngờ sức tưởng tượng của thi nhân lại tuyệt vời đến thế. Chỉ từ một bức ảnh phong cảnh mà nghĩ ra cả cảnh hừng đông, đêm trăng, lá trúc che ngang mặt chữ điền…

Bản gốc của bài thơ có tên "Ở đây thôn vỹ Giạ"
Bản gốc của bài thơ có tên “Ở đây thôn vỹ Giạ”
Về câu “Lá trúc che ngang mặt chữ điền”

Là một bài thơ kinh điển trong sách giáo khoa, nghiễm nhiên câu thơ này cũng được phân tích rất nhiều lần. Dưới đây là những phân tích mà Hải Yến Life đã nghe. Và cùng mình tìm hiểu về chúng đôi chút nhé.

  • Đầu tiên, câu thơ này có thể hiểu là một bài miêu tả cảnh một người đàn ông với gương mặt chữ Điền đang đứng lấp ló sau khóm trúc. Vì muốn lén nhìn người con gái mình thương nên anh ta đã giấu mặt sau khóm trúc để cô gái không phát hiện ra, e thẹn mà bỏ đi mất.
  • Thứ hai, câu thơ này có thể chỉ đơn thuần tả cảnh mà thôi. Trong nhiều kiến trúc xưa thường có những ô cửa vuông chữ điền và hình ảnh này được dùng để tả cảnh. Tuy nhiên, giải thích này không được nhiều người công nhận vì nó có vẻ không hợp với ngữ cảnh của bài thơ.
Hình ảnh "Lá chúc che ngang" theo lời
Hình ảnh “Lá chúc che ngang” theo lời Quỳnh Hoa giải thích

Tuy nhiên, Hoàng Thị Quỳnh Hoa – cháu gọi Hoàng Hoa là cô ruột có giải thích khác về chuyện này. BÀ đã viết 1 ấn phẩm dài hơn 200 trang với tiêu đề “Lá trúc che ngang – chuyện tình của cô tôi” nói về việc này.

Theo đó, mặt chữ điền là chỉ gương mặt của người đẹp Hoàng Hoa. Bà Quỳnh Hoa cho biết tiêu chuẩn về cái đẹp của miền Trung khi đó khác với miền Bắc. Mọi người chuộng gương mặt vuông vức chữ điền. Và cũng chính vì lý do này mà cung đình Huế thường không có người đẹp nào xuất thân từ miền Bắc.

Hàn Mặc Tử và Mộng Cầm – mối tình tuyệt vọng đến đau lòng

Khi nhắc đến Hằn Mặc Tử và những mối tình của ông, thực sự không thể bỏ qua cái tên Mộng Cầm – một mối tình đau thương đến cùng cực trong cuộc đời nhà thơ này.

Mối tình đau đớn trước khi Hàn lâm trọng bệnh

Người đẹp Mộng Cầm là người được chúng ta nhắc đến nhiều nhất trong những mối tình của Hàn. Và bà cũng xuất hiện trong rất nhiều bài thơ, tác phẩm của ông. Như:

  • Phan Thiết, Phan Thiết.
  • Muôn năm sầu thảm.
  • Những giọt lệ.
  • Dấu tích.
  • U trăng.
  • Tinh hoa.

Hàn quen với Mộng Cầm khi vào Sài Gòn phụ trách chuyên mục văn cương cho tờ “Trong khuê phòng”. Khi đó Mộng Cầm đang sinh sống ở Phan Thiết cùng gia đình. Bà là cô gái 17 tuổi, mang trong mình tâm hồn thơ ca lãng mạn, ôm mộng trở thành một nữ thi sĩ tài hoa.

Mộng Cầm - mối tình đau đớn nhất của đời Hàn
Mộng Cầm – mối tình đau đớn nhất của đời Hàn

Lúc đó, Mộng Cầm thường xuyên gửi bài đăng tờ báo mà Hàn phụ trách. Nhờ đó, hai người có cơ hội gặp gỡ và quen biết nhau. Thuở yêu nhau, mỗi cuối tuần Hàn đều đón tàu về Phan Thiết. Mộng Cầm sẽ đưa chàng đi thăm thú khắp nơi, nổi danh nhất phải kể đến địa danh lầu Ông Hoàng.

Hai người đang tình nồng đượm ý, hẹn hò đón đưa thì Hàn phát hiện mình mắc bệnh hiểm nghèo. Theo sự sắp xếp của gia đình, ông về quê ở ẩn, cách ly với nhân gian để không bị đưa vào trại Phong. Mọi liên lạc của ông với Mộng Cầm và những người khác đều bị cắt đứt vài tháng trời. Sau đó 6 tháng, mối tình của ông và Mộng Cầm chính thức tan vỡ khi Mộng Cầm lên xe hoa theo chồng. Tin đưa tới tai Hàn giống như cơn đau dày vò, chấn động đời chàng thi sĩ giữa lúc bệnh tật.

Lầu Ông Hoàng - nơi Mộng Cầm và Hàn Mặc Tử thường xuyên hò hẹn
Lầu Ông Hoàng – nơi Mộng Cầm và Hàn Mặc Tử thường xuyên hò hẹn

Lúc ấy, Hàn cũng viết rất nhiều bài thơ đớn đau cho nàng Nghệ (tức Mộng Cầm):

Nghệ hỡi Nghệ, muôn năm sầu thảm

Nhớ thương còn một nắm xương thôi

Thân tàn ma dại đi rồi

Rầu rầu nước mắt bời bời ruột gan

Nghe gió là ôm ngang lấy gió

Tưởng chừng như trong đó có hương

Của người mình nhớ mình thương

Nào hay gió tạt chả vương vấn gì

Nhớ lắm lúc như si như tỉnh

Nhớ làm sao bải hoải chân tay

Nhớ hàm răng, nhớ hàm răng

Mà ngày nào đó vẫn khăng khít đều

Dẫu đau đớn vì lời phụ rẫy

Nhưng mà ta không lấy làm điều

Trăm năm một lòng vẫn yêu

Và còn yêu nữa rất nhiều em ơi

Những lời thơ ai oán của Hàn thậm chí đã phủ cả lên vùng đất Phan Thiết nơi Mộng Cầm sinh sống:

Ôi trời ơi! Là Phan Thiết, Phan Thiết

Mà tang thương còn lại mảnh trăng rơi

Ta đến nơi nường ấy vắng lâu rồi

Nghĩa là chết từ muôn trăng thế kỷ

Trăng vàng ngọc, trăng ân tình chưa phỉ

Ta nhìn trăng khôn xiết ngậm ngùi trăng…

….

Hỡi Phan Thiết! Phan Thiết!

Mi là nơi ta chôn hận nghìn thu

Mi là nơi ta sầu muộn ngất ngư

Hàn và Mộng Cầm có thực sự từng hẹn hò hay không?

Trong một lần phỏng vấn, Mộng Cầm trả lời rằng mình và Hàn chỉ là bạn bè, không phải tình yêu. Nhưng đây là câu trả lời khi cuộc đời bà đã yên bình bên người đàn ông khác. Và Hàn cũng đã nằm yên dưới mộ nhiều năm.

Sau này, nhiều tài liệu về cuộc đời Hàn được công bố. Trong đó, có một bức thư Mộng Cầm gửi cho anh của Hàn Mặc Tử, trong đó tự nhận mình như con cháu trong nhà. Điều này phần nào chứng tỏ tình cảm yêu đương giữa 2 người là thật, và chúng còn thực sự thắm thiết vô cùng.

Chuyện tình Hàn – Mai Đình: Tình Thi nhân

Trong thực tế, Mai Đình không phải một bóng hồng hiền hữu thực sự trong trái tim Hàn thi sĩ. Nhưng đây là người quan trọng trong cuộc đời chàng. Mai Đình đã yêu Hàn khi đang lâm trọng bệnh, và kề cận, ở bên chàng trong những năm tháng ấy.

Theo những người bạn của Hàn, Mai Đình cá tính, dạn dĩ và thẳng thắn. Cô yêu ghét rõ ràng, hết mình với tình yêu của mình.

Sinh ra trong một gia đình khá giả, Mai Đình được giáo dục tốt. Không chỉ yêu thơ phú, bà còn có biệt tài làm thơ và dạy nữ công cho con cái của những gia đình quyền quý.

Nữ sĩ Mai Đình là niềm an ủi quan trọng trong những ngày cuối đời của Hàn Mặc Tử
Nữ sĩ Mai Đình là niềm an ủi quan trọng trong những ngày cuối đời của Hàn Mặc Tử

Quý trọng Hàn, Mai Đình nhiều lần tìm cách gặp gỡ. Tuy nhiên Hàn luôn né tránh, khước từ vì lúc đó cơ thể đã lâm trọng bệnh. Mai Đình không nản lòng, nữ sĩ đã viết đến gửi Hàn những câu thơ dạn dĩ, táo bạo như chính con người mình.

Còn anh em đã gặp đâu!

Chỉ cảm vần thơ có những câu

Âu yếm say sưa đầy cả mộng

Xui lòng tư tưởng lúc đêm thâu.

Dù chỉ là mối tình qua thư, nhưng Mai Đình lại hết lòng hết dạ với Hàn. Theo một số nguồn tin, Mai Đình đã bỏ rất nhiều công sức chăm sóc Hàn trong những ngày trọng bệnh dù chàng luôn ra sức chối từ.

Và nghiễm nhiên, cô cũng cảm nhận được tình cảm sâu đậm, bi thương của Hàn dành cho nữ sĩ Mộng Cầm. Mai Đình từng viết bài thơ “Phân bì Mộng Cầm” như sau:

Mộng cầm hỡi! Nàng là tiên rớt xuống

Hay là vì tinh tú giáng trần gian?

Diễm phúc thay sung sướng biết bao vàn

Đầy đủ quá nàng thương chăng kẻ thiếu?

Là một kẻ đã ở độ “thân tàn ma dại”, Hàn vô cùng cảm động khi nhận được tình yêu của Mộng Cầm. Chính vì vậy, chàng thi sĩ đau thương đó, đã dành cho Mai Đình của mình những vần thơ thật sự đẹp đẽ:

Đây Mai Đình tiên nữ ở Vu Sơn

Đêm muộn xuống gieo vào muôn sóng mắt

Nàng, ôm nàng hai tay ta ghì chặt

Cả bài thơ êm mát lạ lùng thay

Thậm chí, Hàn còn từng đem ghép những chữ trong lá thư Mai Đình gửi mình thành một bài thơ “Thao Thức”. Trong đó là những câu thơ thể hiện rõ ràng sự mong nhớ, thèm khát được kề cận bên Hàn của Mai Đình:

Lạnh quá ánh trăng không sáng mấy

Cho nên muôn dặm ở ngoài kia

Em đang mong mỏi, em đang nhớ

Bứt rứt lòng em muốn trở về

Ngọc Sương

Mối tình sâu nặng nhất của Hàn là Mộng Cầm – cháu gái gọi Bích Khê là cậu. Giai thoại đồn rằng, khi hay tin Mộng Cầm đi lấy chồng, Bích Khê buồn lắm. Vốn là bạn thân của Hàn, Bích Khê vừa giận Mộng Cầm, vừa thương Hàn trong những ngày khốn khó đó. Bởi chính ông là người đã chứng kiến gần như trọn vẹn cuộc tình Hàn – Mộng.

Trong một lần ghé thăm bạn, Bích Khê tặng cho Hàn tấm hình của chị gái mình – Ngọc Sương. Và cô gái sở hữu dung mạo đoan trang, cái tên mong manh ấy đã trở thành người cuối cùng xuất hiện trong những vần thơ đời Hàn.

Ta đề chữ Ngọc trên tàu lá

Sương ở cung Thiềm nhỏ chẳng thôi

Tình ta khuấy mãi không thành khối

Nư giận đòi phen phải cắn môi

Ảnh chụp Ngọc Sương do nhà thơ Bích Khê tặng Hàn
Ảnh chụp Ngọc Sương do nhà thơ Bích Khê tặng Hàn

Dù chưa được gặp Ngọc Sương, thậm chí cô gái ấy còn chẳng biết rằng Hàn có ảnh của mình. Nhưng rõ ràng, sự xuất hiện của cô ít nhiều giúp Hàn được an ủi, xoa dịu những vết thương tâm hồn và thể xác.

Hàn Mặc Tử yêu ai: Thương thương

Ngoài những bóng hồng có thực, trong thời gian nằm bệnh Hàn cũng có một bóng hồng trong mộng. Chàng đã tự tưởng tượng ra cô gái tên “Thương Thương” để an ủi tâm hồn mình.

Hãy cùng đọc những vần thơ chàng thi sĩ bạc mệnh ấy viết cho Thương Thương nhé:

“Thi sĩ:

Thương Thương em, trời cho ta kỳ ngộ

Nói cho ra thần diệu của vàng bay

Đôi nhụy thắm in trên màu rực rỡ

Đây đôi chim gù gật với niềm say

Nàng:

Tất cả là trân châu vô giá

Dành cho anh riêng hưởng hạnh phúc này”

Theo những người bạn cùng thời, do một lần Trần Thanh Địch gặp gỡ một cô gái tên Thương rất thú vị đã kể lại cho Hàn nghe. Lúc này, Hàn đã tự tưởng tượng ra cái tên Thương Thương.

Dù ít dù nhiều, những mối tình của Hàn Mặc Tử đã làm nên chất liệu để ông viết ra những vần thơ thương đến kỳ lạ đó
Dù ít dù nhiều, những mối tình của Hàn Mặc Tử đã làm nên chất liệu để ông viết ra những vần thơ thương đến kỳ lạ đó

Thật đau đớn khi người cuối cùng của cuộc đời Hàn chỉ là một bóng hình tưởng tượng. Nhưng cũng chính nàng đã mang tới cho Hàn cảm giác về tình yêu trọng vẹn, được yêu, được vỗ về một cách thật tâm.

Kết

Bạn nghĩ sao về những câu chuyện xoay quanh đời Hàn Mặc Tử? Hãy cùng chia sẻ với mình về thi nhân này nhé! Hải Yến Life rất vui khi được lắng nghe, chia sẻ những cảm nhận của bạn.