Trong nền văn học Việt Nam, nhà văn Nguyễn Tuân được xem là một tượng đài, một huyền thoại. Những tác phẩm của ông luôn được đánh giá cao với từ ngữ đa dạng, những câu văn đẹp hiếm có. Và giá trị nghệ thuật của chúng cũng sống mãi với thời gian.

Mọi thông tin về ông đã được đưa ra trên rất nhiều trang báo, diễn đàn văn học. Nhưng dưới góc nhìn của 1 Fan hâm mộ, mình muốn viết lại một phần những thông tin mình thu nhặt được. Hy vọng bài viết này của Haiyen.life sẽ mang tới cho bạn những thông tin thú vị.

Nội dung bài viết

Sơ lược tiểu sử

Tiểu sử của nhà văn Nguyễn Tuân

Hình ảnh cụ Nguyễn Tuân thời trẻ
Hình ảnh cụ Nguyễn Tuân thời trẻ

Nguyễn Tuân sinh năm 1910, mất năm 1987, là một người con của Hà Nội (ông sinh ra và lớn lên tại Hàng Bạc). Sở trường của ông là bút ký, tùy bút với nhiều tác phẩm nổi tiếng. Ông được các nhà phê bình đánh giá là bậc thầy trong việc sử dụng, sáng tạo tiếng Việt mà kim cổ khó lòng có người vượt qua.

Trưởng thành với cha là nhà Nho trong thời điểm Hán học suy tàn, Nguyễn Tuân thấm thía rất rõ sự thay đổi của thời cuộc. Cha của ông là Nguyễn Anh Lan – một nhà nho yêu nước, vô cùng tài hoa còn được biết đến với danh xưng cụ tú Hải Văn.

Thời niên thiếu, Nguyễn Tuân cùng cha phiêu bạt rất nhiều tỉnh thành. Và chính cha là người ảnh hưởng nhiều nhất đến tính cách, hồn văn của cụ.

Sinh ra giữa thời điểm loạn lạc, Nguyễn Tuân đã ý thức được nỗi đau của dân tộc. Năm 1929, khi đang theo học trung học tại Nam Định, ông bị đuổi học vì phản đối giáo viên người Pháp nói xấu dân tộc Việt Nam. Sau đó, ông còn bị bắt giam 1 lần nữa vì tội vượt biên trái phép.

Khi ra tù, Nguyễn Tuân tiếp tục đi nhiều nơi, đến nhiều tỉnh thành, đất nước. Và đó cũng là lúc ông bắt đầu nghiệp viết của mình, để lại nhiều dấu ấn trên văn đàn và xây dựng một cái tên không thể đánh đổ trong làng văn.

Những bút danh của nhà văn Nguyễn Tuân

  • Nguyễn Tuân.
  • Nhất Lang.
  • Thanh Thủy.
  • Thanh Hà.
  • Ngột Lôi Nhật.
  • Ngột Lôi Quật.
  • Ân Ngũ Tuyên.
  • Tuấn Thừa Sắc.

Trên đây chỉ là những thông tin cơ bản về tiểu sử nhà văn Nguyễn Tuân. Nếu các bạn muốn tìm hiểu kỹ hơn, có thể tham khảo trên trang wikipedia Tiếng Việt nha.

Nhà văn ngông cuồng tôn thờ cái đẹp

Nguyễn Tuân và hành trình suốt đời đi tìm cái đẹp

Từ lâu, Nguyễn Tuân đã là viên ngọc đắt giá nhất của làng văn Việt. Nói về ông, Nguyễn Đình Thi viết:

“Đây là nhà văn dành cả đời đi tìm cái đẹp, cái thật của cuộc sống. Ông sinh ra để tôn thể nghệ thuật một cách trọn vẹn và thành tâm nhất”.

Nhà văn Nguyễn Tuân sở hữu vốn từ phong phú, không có đối thủ trong làng văn. Đặc biệt, vốn từ Hán – Việt của ông khiến nhiều người phải kiêng nể.

Ông còn có biệt tài kết hợp ngôn ngữ cổ xưa với hiện đại để mang lại hiệu quả truyền đạt ý văn, gây ấn tượng với người đọc. Từ đó, trở thành người có lối viết, giọng văn đẹp đẽ lạ thường.

Trong sự nghiệp của mình, mỗi chuyến đi lại giúp Nguyễn Tuân cho ra đời một kiệt tác văn học. Những tác phẩm của ông đều hướng đến cái đẹp tuyệt mỹ của con người, văn hóa, thời đại, thiên nhiên. Từ đó, để lại những áng văn hoàn hảo, chứa nhiều giá trị truyền lại cho đời.

Với những đóng góp lớn lao, năm 1996 Nguyễn Tuân được trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học Nghệ thuật. Sau khi ông mất, Thành phố Hà Nội đã lấy tên ông đặt cho một con đường lớn để tưởng nhớ.

Góc "Nguyễn Tuân"
Góc “Nguyễn Tuân” với những món đồ, tác phẩm từng gắn liền với nhà văn tài hoa

Hiện tại, Bảo tàng Văn học Việt Nam có một gian trưng bày Nhà văn Nguyễn Tuân. Ở đó giới thiệu những tác phẩm đã xuất bản, những bản viết tay của ông. Nổi bật có thể kể tới áo khoác, mũ cùng cây gậy mà ông đã khắc lại các địa điểm mình đã đến, đi qua.

Vì sao nói Nguyễn Tuân là kẻ ngông cuồng?

Dưới đây, bàn một chút về Nguyễn Tuân – Chuyện văn chuyện đời nhé. Sẽ có thêm nhiều thông tin thú vị về cuộc đời của nhà văn tài hoa này cho bạn tìm hiểu đấy.

Nguyễn Tuân ghét rất nhiều người, và ông không che dấu điều đó

Tài năng của Nguyễn Tuân là điều không ai có thể phủ nhận. Qua thời gian, những tác phẩm của ông đã chứng tỏ sức sống mãnh liệt, giá trị nhân văn của nó giữa thời cuộc biến động không ngừng nghỉ.

Đi kèm với sự nghiệp lừng lẫy, quanh cuộc đời ông cũng có rất nhiều giai thoại về sự ngông cuồng. Ông ghét bỏ nhiều người trong làng văn, thậm chí là không ít quan chức chính trị đương thời. Và ông cũng không bao giờ e sợ nói ra sự ghét bỏ của mình.

Khi Nguyễn Tuân ghét ai, ông nói ra những câu rất ác. Những người ông ghét khá nhiều. Có thể kể tới Như Phong, Hoàng Trung Thông, Chế Lan Viên, Phùng Bảo Thạch, Vũ Đình Liên, Vũ Ngọc Phan, Hoài Thanh, Bùi Huy Phồn, Vũ Đức Phúc, Trường Chinh, Huy Cận, Anh Thơ, Hoàng Văn Hoan, Nam Mộc…

Những giai thoại quanh cái ngông và sự ghét của NT

Cái ngông trong giọng văn của Nguyễn Tuân là điều không cần bàn cãi. Nhưng trong đời thường, ông cũng là một kẻ ngông nghênh thực sự.

Nguyễn Tuân và Huy Cận

Khi nhắc đến Nguyễn Tuân ghét những ai, không thể bỏ qua nhà thơ Huy Cận. Vậy tại sao mối quan hệ Nguyễn Tuân Huy Cận lại không tốt đẹp?

Nguyễn Tuân ghét những nhà phê bình không thật thà
Nguyễn Tuân ghét những nhà phê bình không thật thà

Nguyễn Tuân không thích các nhà phê bình, đặc biệt là các nhà phê bình “không thật thà”, viết theo thị hiếu của thời cuộc. Trong danh sách những kẻ phê bình không thật thà ấy, có Huy Cận. Không có gì ngạc nhiên khi Nguyễn Tuân ghét Huy Cận hết.

Thuở sinh tiền, ông từng lập một danh sách những người không được dự tang lễ của mình. Hay còn gọi là danh sách những người Nguyễn Tuân ghét tuyể đối không được đến đám tang của ông. Thậm chí nếu họ đến dự, con cháu người nhà phải đuổi về. Trong đám tang ông, Huy Cận là người chủ trì tang lễ đã đọc danh sách đó. Và trong danh sách có tên Huy Cận.

Nguyễn Tuân và Chế Lan Viên – Những nhà văn bị Nguyễn Tuân ghét

Nguyễn Tuân ghét Chế Lan Viên. Ông đã kể lại câu chuyện như sau:

“Một hôm tôi đi vào phòng văn thư của Hội Nhà văn Việt Nam, đúng lúc Chế Lan Viên đi ra. Anh giơ tay định bắt tay tôi, tôi không bắt. Chế Lan Viên ra rồi, các cô văn thư trong phòng mới hỏi tôi: Sao bác làm vậy?

Tôi hỏi lại: Thế các cô biết vì sao có tục bắt tay không? Ngày xưa ở Tây, hai người tin cậy nhau, không mang theo vũ khí họ sẽ bắt tay nhau. Tôi không bắt tay Chế Lan Viên, vì trong bụng anh ấy có hàng bồ dao găm.”

Còn một chuyện khác thể hiện rõ sự ghét bỏ của Nguyễn Tuân với nhà thơ Chế Lan Viên được ông kể lại như sau:

Anh Chế Lan Viên ở trong Nam, bắn tin ra ngoài này cho tôi. Đại ý không hiểu sao anh Nguyễn Tuân cứ lảng tránh tôi. Hôm ấy họp Chi bộ, tôi nói với bí thư Lê Minh:

Đúng là tôi tránh anh Chế Lan Viên Thật. Cô ghi lại rồi bắn tin cho anh ấy hộ tôi. Lý do là tôi già rồi, tính khí bất thường. Tôi sợ gặp anh ấy tôi lỡ nóng tính, tát anh ấy một cái thì làm thế nào? Đồng chí với nhau mà tát nhau thì phải kiểm điểm mất thôi.”

Nguyễn Tuân ghét Hoàng Trung Thông như thế nào?

Trong danh sách người Nguyễn Tuân ghét, Hoàng Trung Thông là 1 trong 3 người cụ ghét nhất (Còn có Như Phong và Chế Lan Viên). Nguyên do là khi còn làm Vụ trưởng Nghệ thuật, Hoàng Trung Thông từng quy chụp chính trị nhiều tác phẩm của ông.

Nhiều người dù bị Nguyễn Tuân ghét nhưng vẫn cố lấy lòng cụ
Nhiều người dù bị Nguyễn Tuân ghét nhưng vẫn cố lấy lòng cụ

Tuy vậy, Thông vẫn phục và muốn lấy lòng cụ . Năm 1987, Thông từng viết một bài chân dung văn học Nguyễn Tuân đăng trên Văn nghệ. Thông tưởng rằng cụ đã đọc và hết ghét mình. Nên Tết năm ấy ông đến chúc mừng Nguyễn Tuân, ai ngờ không được tiếp. Nhiều người nói rằng khi đó Thông Đã khóc.

Theo cụ Tuân, ông vẫn ghét Thông vì bài chân dung ấy vẫn được viết đậm mùi tuyên huấn. Điều đó thể hiện rõ qua các câu văn:

  • Anh nói thiếu quê hương, song chúng ta làm gì mà đến nỗi thiếu quê hương.
  • Có những lúc tưởng như anh rời xa Đảng. Nhưng rồi anh lại gắn chặt với Đảng. Vì anh biết anh không thể rời xa Đảng.
  • Anh đã viết Tình rừng, dẫu rằng những bài văn đó có đôi chút sai sót  nhưng vẫn đầy rẫy tâm tình về sông nước con người.
  • Tôi biết có lúc Nguyễn loạng choạng, nghiêng ngả. Nhưng khi anh vịn vào từng câu văn trang văn, anh đứng dậy rồi anh đi. Đi đàng hoàng và có lúc đi nghênh ngang nữa để cùng với bạn văn đi đến đỉnh cao của văn chương Việt Nam.

>> Xem thêm: Tìm hiểu sách khu vườn mùa hạ.

Nguyễn Tuân ghét Vũ Đình Liên
Cái sự ngông của cụ thể hiện qua việc cụ ghét, và không ngại thể hiện mình ghét rất nhiều người tai to mặt lớn
Cái sự ngông của cụ thể hiện qua việc cụ ghét, và không ngại thể hiện mình ghét rất nhiều người tai to mặt lớn

Nhà thơ Vũ Đình Liên được biết đến rộng rãi với bài thơ “Ông đồ”. Nhưng ít ai biết rằng Nguyễn Tuân không ưa Vũ Đình Liên. Ông cho rằng VĐL sống như một anh viên chức với cuộc sống tằn tiện. Nhưng khi giải phóng lại luôn nói rằng mình từng chơi bời dữ lắm.

Nhà văn Nguyễn Tuân ghét Vũ Ngọc Phan

Về lý do ghét VNP, cụ Tuân đánh giá Phan cũng giống Liên, không thành thật về quá khứ của mình. Ngoài ra, Tô Hoài (bạn thân của cụ) còn nói về việc này như sau.

“Trước đây túng tiền, cụ Tuân thường vay của Phan. Vào khoảng năm 41, 42, NT bị đi tù ở Căng Nho Quan thì Phan tránh. Con trai của Nguyễn Tuân là Toản được cha sai đến vay tiền, Phan từ chối.

Cụ Tuân đã nói về việc này: “Nó sợ liên quan đến thằng tù dây đây mà”.

Nguyễn Tuân ghét Phùng Bảo Thạch

Việc cụ Tuấn thừa sắc ghét Thạch cũng rất dễ hiểu. Thạch vốn là kẻ thân với Nhật, Nguyễn Tuân cho Thạch ẩn náu ở nhà riêng tại Am Sông Tô. Vậy mà Thạch lại ăn cháo đá bát khi làm cho ông bị tù.

Nguyên do là khi bị bắt và tra tấn, Thạch khai ra là cụ Tuân đang ở xóm hát Khâm Thiên. Sau đó đưa mật thám đến bắt ông. Về việc này, Nguyễn Tuân ghét và căm Thạch lắm. Khi Thạch chết, cụ không đến viếng.

Nói thêm về cái sự “ngông” của cụ Tuân

Chừng đó thông tin không đủ để nói hết cái sự ngông của Nguyễn Tuân. Cụ yêu ghét rõ ràng, không ngại ngùng bày tỏ cái sự “ghét” của mình. Ngay cả với những nhân vật cộm cán, có quyền lực chính trị thời đó như Vũ Ngọc Phan, Trường Chinh, Tố Hữu.

Dù ngông nghênh có thừa, cụ vẫn được công chúng yêu mến, nể phục nhờ nhân phẩm thanh cao, luôn giữ được cốt cách con người
Dù ngông nghênh có thừa, cụ vẫn được công chúng yêu mến, nể phục nhờ nhân phẩm thanh cao, luôn giữ được cốt cách con người

Nhưng ông vẫn được trọng vọng, thậm chí trọng vọng bậc nhất ở đời. Nhiều người nhận định, Nguyễn Tuân được trọng vọng đến vậy không chỉ vì ông có tài. Mà còn vì ông luôn giữ mình trong sạch. Dẫu trong trường hợp nào, Nguyễn Tuân vẫn không đánh mất cái “thiên lương” của con người.

Để hiểu rõ về điều này, bạn đọc có thể tham khảo thêm tác phẩm “Nguyễn Tuân – Hồi ký của giáo sư Nguyễn Đăng Mạnh”. Trong đó có nhắc đến rất nhiều sự kiện từng xảy ra cho thấy cụ Tuân được trí thức trong nước, và cả quốc tế trọng vọng đến mức thế nào.

Nguyễn Tuân chửi những người mình ghét  như thế nào?

Nhiều người hay băn khoăn về việc cụ Tuân chửi những kẻ mình không ưa như thế nào. Và nhiều diễn đàn, trang mạng cũng tích cực đưa từ “chửi” vào trong tiêu đề để làm mọi phần thêm kịch tính.

Mình không thích từ “chửi”. Với mình cụ chẳng chửi ai, cái cụ làm chỉ là nói ra những suy nghĩ của mình về người này, người kia. Và họ không ưa những tính xấu, những cái thiếu nhân văn trong những con người ấy mà thôi.

Các nhà phê bình nói gì về Nguyễn Tuân?

Đọc đến đây, chắc hẳn nhiều bạn sẽ thắc mắc tại sao cụ Tuân lại ghét bỏ nhiều nhà phê bình đến như vậy. Có không ít người đã nghĩ rằng hẳn là họ đã chê cụ nên bị ghét.

Không. Thực ra mọi nhà phê bình văn học nổi tiếng của đất nước này đều khen cụ Tuân. Vì cụ xứng đáng nhận được lời khen với những tác phẩm tuyệt vời, có sức sống mãnh liệt của mình. Không một ai có khả năng phủ nhận những áng văn tuyệt vời cụ đã để lại cho đến tận hôm nay.

Điều khiến cụ không thích các nhà phê bình chỉ là vì những thứ họ nói quá lên, nói sai đi theo suy nghĩ chủ quan. Hoặc đơn giản là nhiều nhà phê bình đưa những tư tưởng chính trị vào trong tác phẩm của cụ. Có thể để lấy lòng cụ, hoặc lấy lòng những lãnh đạo đương thời.

Nguyễn Tuân thân thiết với những ai?

Nói về những người cụ Tuấn Thừa Sắc ghét thì dễ, vì cụ chưa bao giờ ngại ngần nói ra. Nhưng nói về những người cụ thương sẽ khó hơn đôi chút, vì cụ chỉ thể hiện sự thương của mình qua hành động mà thôi.

Kim Lân là một trong những nhà văn đặc biệt thân thiết với cụ Tuân
Kim Lân là một trong những nhà văn đặc biệt thân thiết với cụ Tuân

Nhưng những năm cuối thập kỷ 60 – 60 của thế kỷ 20, tình bạn của cụ Tuân với nhà giáo Nguyễn Bá Đạm, họa sĩ Bùi Xuân Phái rất được giới văn nhân đương thời ca tụng. Ngoài ra, nhạc sĩ Văn Cao cũng rất thân với 3 người này và có nhiều kỷ niệm đẹp.

Trong làng Văn, cụ Tuân cũng thân thiết với nhiều người. Chẳng hạn như cụ Kim Lân – người đã đạp xe khắp Hà Nội giữa hạ để tìm cho cụ Tuân một nhành hoa lan trong những ngày cuối cùng của cuộc đời, khi cụ đang nằm hấp hối trên giường bệnh.

Là Vũ Trọng Phụng, người cụ thương cảm vô cùng trong cái chết đến mức thốt lên: Sao người tốt như anh thì chết, còn những thằng khốn thì sống mãi, sống khỏe mạnh. Nhiều năm sau khi Vũ Trọng Phụng qua đời, cụ Tuân vẫn giữ được mối thân tình với con cái của cụ Phụng.

Những tác phẩm nổi bật nhất của nhà văn Nguyễn Tuân

Những tác phẩm, tuyển tập đã xuất bản

Dưới đây, Hải Yến sẽ giới thiệu với bạn những tác phẩm văn học nổi tiếng nhất mà nhà văn Nguyễn Tuân đã để lại. Cùng tham khảo nhé.

  • Một chuyến đi – 38.
  • Ngọn đèn dầu lạc – 39.
  • Vang bóng một thời – 40.
  • Thiếu hương quê hương – 40.
  • Chiếc lư đồng mắt cua – 41.
  • Tàn đèn dầu lạc – 41.
  • Tùy bút – 41.
  • Tóc chị Hoài – 43.
  • Tùy bút II – 43.
  • Nguyễn – 45.
  • Chùa Đàn – 46.
  • Đường Vui – 49.
  • Tình chiến dịch – 50.
  • Thắng càn – 53.
  • Chú Giao làng SEO – 53.
  • Đi thăm Trung Hoa – 55.
  • Tùy bút kháng chiến – 55.
  • Tùy bút kháng chiến và hòa bình – 56.
  • Truyện một cái thuyền đất – 58
  • Sông Đà – 60.
  • Cô Tô – 65.
  • Hà Nội ta đánh Mỹ giỏi – 72.
  • Ký – 76.
  • Tuyển tập Nguyễn Tuân – 81.
  • Cảnh sắc và hương vị đất nước – 88.
  • Yêu ngôn – 2000 (được in sau khi ông mất).

Phim Mê Thảo thời vang bóng phỏng theo tác phẩm Chùa Đàn là một trong những bộ phim Việt được đánh giá cực cao. Nếu bạn yêu thích những tác phẩm của Nguyễn Tuân, nên dành đôi chút thời gian để xem phim điện ảnh này và cảm nhận những giá trị nó mang lại. Không phải ngẫu nhiên, những tác phẩm của Nhà văn Nguyễn Tuân được đánh giá là sống mãi với thời gian.

Những tác phẩm văn học nhà trường của Nguyễn Tuân

  • Chữ người tử tù – Văn học lớp 11.
  • Người lái đò sông đà – SGK văn học lớp 12.

Những truyện ngắn, tùy bút của Nguyễn Tuân trong Vang bóng một thời

Không phải tác phẩm xuất sắc nhất, nhưng Vang bóng 1 thời được nhiều người yêu thích, là tuyển tập được biết đến rộng rãi bậc nhất của Nguyễn Tuân.

Tuyển tập này như gợi lại một phần lịch sử dân tộc. Ở đó, chúng ta chứng kiến Hán học suy tàn, nhìn thời gian cuộn xoay với những giá trị thuần túy của con người bị đảo lộn. Nhưng đâu đó, thiên lương vẫn được gìn giữ một cách trọn vẹn:

Dưới đây là danh sách những truyện ngắn, bút ký tuyệt hay của tuyển tập này:

Bữa rượu máu (một số bản in sau này sửa lại là Chém treo ngành)

Truyện ngắn tập trung vào quá trình tập luyện, tài chém của một thầy chém cuối cùng còn lại. Ông ta có tài chém mà đầu người vẫn dính vào cổ bởi một lượt da.

Những chiếc ấm đất

Với những nhà nho xưa, thú uống trà thực sự rất thi vị, khiến cuộc sống thêm phần tuyệt diệu. Truyện ngắn này sẽ mang tới cho bạn một góc nhìn khác, về những người say mê trà, bỏ đời mình theo những cuộc trà.

  • Thả thơ
  • Đánh thơ.
  • Hương cuội.
  • Ngôi mả cũ.
  • Chữ người tử tù
  • Ném bút chì
  • Chén trà trong sương sớm.
  • Một cảnh thu muộn.
  • Báo oán.
  • Trên đỉnh non tản.

Những câu chuyện thú vị về cuộc đời nhà văn Nguyễn Tuân

Tình đầu và tình cuối của cụ Nguyễn Tuân

Cụ cưới vợ sớm vì bố ốm nặng, người vợ lúc đó cũng là do cha mẹ lựa chọn. Hai gia đình đã quen biết nhau từ lâu nên đám cưới đơn giản, không hẹn hò, không tìm hiểu.

Vợ cụ là bà Vũ Thị Tuệ. Đây là tình đầu cũng là tình cuối của cụ Tuân. Dù lấy nhau không qua tìm hiểu, nhưng cụ luôn dành sự ưu ái, nể trọng đặc biệt đối với vợ mình.

Trong thời Nguyễn Tuân bận “đi giang hồ”, ông từng gửi về cho vợ một bài thơ:

Bốn bể cũng là nhà

Tết này ở lại xa

Hồn quê theo lá rụng

Đất khách đóng trò ma

Gió bụi quên ngày tháng

Biền hồ gặp xông pha

Đừng cho đàn trẻ biết

Rối ruột khách thiên nha

Thậm chí, cụ Tuân từng thắc mắc không hiểu vợ thương ông vì điều gì, bản thân ông cũng tự thấy mình từng làm vợ nhiều lần điêu đứng. Nhưng cụ Tuệ chính là người duy nhất chịu được sự khó tính, kỹ tính của nhà văn tài hoa lúc về già.

Vào năm 1986, nhà văn ốm nặng. Ông sợ không qua khỏi nên nói vui với vợ:

  • Bà với tôi thì ai nên đi trước?

Không ngờ bà Tuệ trả lời một câu mà nhà văn tự thấy là thật tình tứ:

  • Ông đi trước thì tôi ở lại buồn lắm. Nhưng tôi mà đi trước thì ông sẽ khổ, không ai săn sóc được ông như tôi đang làm đâu. Nên tôi có chết cũng chẳng đành lòng.
Người vợ là hậu phương vững chắc để cụ cho ra đời những tác phẩm sống mãi với thời gian
Người vợ là hậu phương vững chắc để cụ cho ra đời những tác phẩm sống mãi với thời gian

Bà Tuệ không chỉ là người vợ, người yêu cả đời của Nguyễn Tuân. Bà còn là điểm tựa gia đình vững chắc để người đàn ông tài hoa đó dùng cả đời xê dịch và cho ra đời những tác phẩm bất hủ ngày nay chúng ta vẫn không ngừng tán tụng.

Chuyện Nguyễn Tuân đểnh đoảng và để quên con

Là một ông lão ưa xê dịch, việc Nguyễn Tuân đãng trí cũng không mấy lạ lẫm. Có lần ông dẫn con vào rạp xi nê. Đến khi tan phim, ông mải theo bạn bè đi chơi “tăng 2” đến mức quên cả con đang nằm ngủ trong rạp. Đến khi nhớ lại, ông vội vàng chạy đến rạp tìm thì thấy vắng hoe, con đã đi đâu mất. Ai ngờ bà Tuệ đã đến đón con về từ lúc nào.

Những chuyện hài xoay quanh cái chết của nhà văn Nguyễn Tuân

Xoay quanh việc cụ qua đời như thế nào, cũng có rất nhiều điều tranh cãi. Lúc sinh thời, cụ từng hỏi và biết Hội Nhà Văn Việt Nam có tiêu chuẩn phúng viếng dành cho từng nhà văn sau khi qua đời. Và cụ đã hỏi xin hội trưởng: Liệu tôi có thể lãnh trước cái tiêu chuẩn đấy để đi mua bia được hay không.

Ngoài ra, có 1 câu chuyện hài hước xoay quanh cái chết của cụ như sau:

“Hôm đó cụ Tuân nằm cùng giường với một bệnh nhân khác. Cụ muốn tắt điện, nhưng ông bệnh nhân kia lại muốn bật điện. Vậy là 2 người bệnh cứ người tắt, người mở suốt cả đêm. Cuối cùng cụ mệt quá mà chết.”

Thực chất, con trai của Nguyễn Tuân đã bác bỏ điều này. Theo anh, cụ Nguyễn Tuân được bác sĩ dặn không uống rượu nếu không sẽ khó sống. Nhưng ông nhất định uống, và đã chết ngày hôm đó. Chính vì vậy nhiều người vẫn nói rằng cụ tự chọn cái chết cho chính mình.

Một số câu nói hay của Nguyễn Tuân (mình sẽ cập nhật liên tục)

Những câu nói hay của Nguyễn Tuân Những câu nói hay của Nguyễn Tuân

Nhận định cá nhân của Hải Yến

Nguyễn Tuân từng nói về 2 chữ ‘thi nhân’ và ‘thi sĩ’ khi nói đến Chế Lan Viên. Theo ông, thi sĩ chỉ nói về sự tài hoa trong nghề làm thơ. Còn thi nhân sang và đẹp từ bản chất con người.

Với bản thân Yến, cụ Tuân thực sự là một thi nhân. Cụ sống một đời tài hoa, sang trọng.

Vài năm gần đây, nhiều người nhắc đến cụ với giọng mỉa mai. Cho rằng cụ là kẻ lắm tài nhiều tật vì thích nghe cô đầu, hút thuốc phiện, đi cùng con hát.

Nhưng các bạn ơi, khi tìm hiểu một nhân vật nào đó, hãy tìm hiểu bối cảnh lịch sử thời họ sống. Thời của cụ, các thú đó tuy không tốt đẹp, nhưng nó chỉ là một thú vui chơi, một tật xấu. Không đến mức như các bạn đang lên án đâu.

Và trong một lần nói về những kẻ tự nhận mình chơi bời dữ lắm, cụ cũng nói những điều đó chẳng hay ho gì. Vậy sao chúng ta – những kẻ hậu thế lại cứ đem chuyện đó ra để lên án và cố gắng dùng cái chơi bời ngày trẻ để phủ nhận những tác phẩm văn chương, những điều cụ để lại cho đời này vậy nhỉ.

Lời kết

Cụ Tuân ngồi bên cạnh nhạc sĩ Văn Cao và họa sĩ Bùi Xuân Phái
Cụ Tuân ngồi bên cạnh nhạc sĩ Văn Cao và họa sĩ Bùi Xuân Phái

Hiểu về cụ Tuân của mình không thực sự đầy đủ, nên nếu có điều gì sai sót trong bài viết này, hãy chỉ cho mình nhé. Mình sẽ tiếp thu và sửa đổi vì nhà văn Nguyễn Tuân là thi nhân mình mê nhất. Dùng từ mê thật sự ấy ạ. :)))

Nếu bạn cần hỗ trợ gì về content hay website, liên hệ ngay với mình nhé. Hải Yến sẽ hỗ trợ bạn trong khả năng của mình.