Nhà văn Nam Cao là một nhà thơ, nhà văn, nhà báo với rất nhiều tác phẩm. Và ông cũng là người chiến sĩ, liệt sỹ nổi tiếng của Việt Nam. Trước Cách Mạng Tháng Tám, ông là một trong những nhà văn hiện thực lớn có tầm ảnh hưởng, một nhà báo kháng chiến luôn nỗ lực không ngừng. Và nhiều năm qua, ông đã được công nhận là một trong những nhà văn tiêu biểu bậc nhất thế kỷ 20.

Trong bài viết này, hãy cùng Hải Yến Life tìm hiểu tiểu sử nhà văn Nam Cao cũng như cuộc đời của ông nhé.

Nội dung bài viết

Tên thật của nhà văn Nam Cao là gì?

Tranh chân dung nhà văn Nam Cao
Tranh chân dung nhà văn Nam Cao

Tên khai sinh của ông là Trần Hữu Tri. Ông sinh ngày 29/10/1915 hoặc năm 1917. Mất vào ngày 20/11/1951. Trong một số tài liệu, ông được nhắc đến với tên khai sinh là Trần Hữu Trí.

Nhà văn Nam Cao quê ở đâu?

Ông sinh ra ở làng Đại Hoàng, tổng Cao Đà, huyện Nam Sang, phủ Lý Nhân. Nay đã trở thành xã Hoà Hậu, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam. Bút danh Nam Cao của ông đã ghép từ hai chữ khác nhau trong tên tổng và huyện nơi ông sinh ra.

Những bút danh nhà văn Nam Cao đã từng sử dụng

Trong suốt sự nghiệp viết văn của mình, ông đã từng sử dụng những bút danh sau:

  • Nam Cao.
  • Thuý Rư.
  • Xuân Du.
  • Nguyệt.

Cơ duyên đến với nghiệp văn chương của ông

Ban đầu, Nam Cao từng làm rất nhiều nghề khác nhau, chật vật tìm cách kiếm sống. Năm 18 tuổi, ông vào Sài Gòn và nhận làm thư ký cho một hiệu may.

Tại đây, ông bắt đầu viết các truyện ngắn “Cảnh cuối cùng”, “Hai cái xác” và gửi in chúng trên tuần báo “Tiểu thuyết thứ bảy”. Ông cũng gửi in trên báo Ích Hữu những truyện ngắn như Đui mù, Chí Phèo, Những cánh hoa tàn, Nghèo, Một bà hào hiệp. Bút danh ông sử dụng lúc này là Thuý Rư.

Hình ảnh nhà văn Nam Cao
Hình ảnh nhà văn Nam Cao

Khi trở lại  Bắc, ông tự học để đi thi lấy bằng Thành chung. Nam Cao cũng dạy học ở trường tư thục Công Thành – nằm trên đường Thuỵ Khuê của Hà Nội. Lúc này, ông sử dụng bút danh Nguyệt, Xuân Du để in truyện ngắn, thơ trên báo Hà Nội tân văn. Nổi bật có thể kể đến truyện ngắn “Cái chết của con Mực”.

Nhà văn Nam Cao và tác phẩm Chí Phèo

Năm 1941, Nhà xuất bản Đời Mới đã ấn hành tập truyện đầu tay “Đôi lứa xứng đôi” của ông, sử dụng bút danh là Nam Cao. TRong bản thảo, tập truyện này có tên “Cái lò gạch cũ”.

Chí Phèo là tác phẩm tiêu biểu nhất sự nghiệp của ông
Chí Phèo là tác phẩm tiêu biểu nhất sự nghiệp của ông

Ngay lập tức, tác phẩm nhanh chóng trở nên phổ biến trong dân chúng. Thậm chí chúng còn được xem là hiện tượng văn học ở thời điểm đó. Sau này khi in lại, ông đã đổi tên tác phẩm thành “Chí Phèo”.

Chí Phèo chính là tác phẩm tiêu biểu nhất, gắn liền với cuộc đời nhà văn Nam Cao trong những năm ông cầm bút. Nó xuất hiện trong sách giáo khoa, các chương trình văn học nhà trường và đã được in ra nhiều thứ tiếng.

Nhân vật Chí Phèo trên phim
Nhân vật Chí Phèo trên phim

Một số bài viết về các nhân vật thú vị:

Nhà văn Nam Cao và tác phẩm Lão Hạc

Tác phẩm được nhà văn viết vào năm 1943. Không chỉ gắn liền với tên tuổi của ông, nó còn là truyện ngắn tiêu biểu của dòng văn học hiện thực. Nội dung truyện đã phần nào phản ánh được hiện trạng xã hội nước ta trong những ngày trước Cách mạng Tháng Tám.

Nhân vật Lão Hạc do nhà văn Kim Lân thủ vai
Nhân vật Lão Hạc do nhà văn Kim Lân thủ vai

Để lại những ảnh hưởng rõ nét, Lão Hạc được rất nhiều người yêu thích. Cùng với Sống Mòn, Chí Phèo, truyện đã dựng thành phim mang tên “Làng Vũ Đại ngày ấy”. Đây cũng là một bộ phim cảm động, mang tới nhiều cảm xúc cho người xem.

Bạn có thể xem phim trên Youtube một cách dễ dàng.

Năm 2022, Trần Vũ Thuỷ đã dựng phim “Cậu Vàng” phỏng theo nguyên tác “Lão Hạc”. Tuy nhiên, phim bị chê, chỉ trích rất nhiều vì có nhiều lỗi, không trung thành với nguyên tác. Và phim cũng tạo hiệu ứng tiêu cực, bị lỗ rất nặng sau khi công chiếu.

Để biết thêm về Nhà văn Nam Cao tác phẩm, cuộc đời, giới thiệu nhà văn Nam Cao, bạn có thể tham khảo link Wiki: Nam Cao.

Những tác phẩm tiêu biểu của nhà văn Nam Cao

Kịch

Nam Cao có một tác phẩm kịch duy nhất, hiện chưa rõ tên.

Tiểu thuyết

Những tác phẩm đã được in

  • Truyện người hàng xóm – 1944. Ban đầu được in trên báo Trung văn Chủ Nhật.
  • Sống mòn (viết xong vào năm 1944 nhưng đến năm 1956 mới xuất bản). Ban đầu nó có tên là Chết Mòn.

Một số cuốn sách hay nên đọc:

Có 4 tiểu thuyết bị thất lạc bản thảo trong những ngày loạn lạc

  • Cát bát.
  • Một đời người.
  • Cái miếu.
  • Ngày lụt.

Các truyện ngắn

Nam Cao đã để lại cho đời nhiều tác phẩm xuất sắc
Nam Cao đã để lại cho đời nhiều tác phẩm xuất sắc

Trước Cách mạng

Ba người bạn Đón khách
Bài học quét nhà Con mèo
Bảy bông lúa lép Con mèo mắt ngọc
Cái chết của con Mực Chí Phèo
Cái mặt không chơi được Đầu đường xó chợ
Chuyện buồn giữa đêm vui Điếu Văn
Cười Đôi móng giò
Đời thừa Đòn chồng
Đui mù Lang Rận
Nhỏ nhen Lão hạc
Làm tổ Mong mưa
Một truyện xu-vơ-nia Một đám cưới
Mua danh Những chuyện không muốn viết
Mua nhà Những trẻ khốn nạn
Một bữa no Nghèo
Người thợ rèn Nụ cười
Nhìn người ta sung sướng Nước mắt
Nửa đêm Sao lại thế này?
Phiêu lưu Thôi, đi về
Quái dị Giăng sáng
Quên điều độ Trẻ con không được ăn thịt chó
Anh Tẻ Truyện biên giới
Rửa hờn Truyện tình
Tư cách mõ Từ ngày mẹ chết
Xem bói Rình trộm
Dì Hảo Đảo hang cọp
Chuyện người hàng xóm Thám hiểm châu Phi

Truyện ngắn sau Cách Mạng

  • Mò Sâm Banh
  • Nỗi truân chuyên của khách má hồng
  • Đôi mắt
  • Đợi chờ
  • Trần Cừ
  • Những bàn tay đẹp
  • Hội nghị nói thẳng
  • Định mức
  • Năm anh hàng thịt
  • Một cuộc đốt làng
  • Áo vải

Danh sách truyện ký cách mạng

Nhà văn Nam Cao cùng những nhà văn cách mạng khác
Nhà văn Nam Cao cùng những nhà văn cách mạng khác

Trong sự nghiệp của nhà văn Nam Cao, không thể bỏ qua các truyện ký cách mạng với tầm ảnh hưởng rõ nét dưới đây:

  • Đường vô Nam.
  • Ở rừng
  • Từ ngược về xuôi
  • Trên những con đường Việt Bắc
  • Bốn cây số cách một căn cứ địch
  • Vui dân công
  • Vài nét ghi qua vùng giải phóng.

Tham gia biên soạn sách địa lý

Sự nghiệp sáng tác của nhà văn Nam Cao còn có một số bài thơ. Cùng với đó, ông cũng góp công trong việc biên soạn những cuốn sách địa lý sau đây:

  • Văn tân địa dư các nước châu Âu.
  • Địa dư các nước châu Á, châu Phi
  • Địa dư Việt Nam.

Những danh hiệu tôn vinh Nam Cao

Nhà văn Nam Cao được mệnh danh là gì? Chúng ta thường biết đến ông với danh hiệu nhà văn gần gũi với cái nghèo nhất. Ông cũng dành được danh hiệu cao quý:

  • Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học Nghệ thuật năm 1996.

Phong cách nhà văn Nam Cao

Ở hai thời kỳ trước và sau cách mạng, suy nghĩ, cách viết của Nam Cao đã có nhiều khách biệt. Cùng tìm hiểu chi tiết hơn nhé.

Trước năm 1945

Ông ám ảnh với cái đói, cái ăn và những bi kịch của đời người

Những truyện ngắn của Nam Cao là sự phức hợp hài hoà giữa bi, hài, những triết lý, trữ tình. Mà cán cân ấy, lại có sự nghiêng hẳn về phần bi.

Nam Cao hiểu đời, nhìn đời rất rõ. Ngôn từ của ông được chắt lọc từ những phận đời bần cùng bậc nhất trong xã hội. Chính vì vậy ông được xem là đại diện của văn học hiện thực phê phán Việt Nam trong giai đoạn cuối.

Các nhà phê bình đánh giá về nhà văn Nam Cao, coi ông là mảng màu cuối cùng giúp hoàn chỉnh bức tranh văn học hiện thực. Xét cả về mặt phản ánh xã hội thực và khả năng biểu hiện nghệ thuật hoàn hảo.

Nam Cao chính là mảnh ghép không thể thiếu trong nền văn học nước nhà
Nam Cao chính là mảnh ghép không thể thiếu trong nền văn học nước nhà

Ở truyện ngắn của Nam Cao, chúng ta có thể tìm thấy sự thăm dò những chiều sâu mới, khẳng định tính hàm súc của nó. Ông ám ảnh đến cực độ với sự tha hoá, thay đổi trong bản chất con người. Ông đẩy bản thân nhân vật của mình vào tận cùng bi kịch, để họ đối diện với sự tha hoá không chút lưỡng lự.

Điều này có thể tìm thấy ở Chí Phèo, một kẻ từ thiện hoá ác. Rồi chết ngay cánh cửa đang muốn trở lại sự thiện lương.

Đó là bi kịch được tạo nên bởi đói nghèo, đau khổ. Chỉ vì một bữa no, người ta có thể đánh đổi cả danh dự, nhân phẩm của mình, thậm chí là tính mạng.

Truyện ngắn Nam Cao giống như những đợt sóng dữ dội, cuốn phăng sự yên ả giả tạo của những làng quê ấy. Đọc lên, mọi người sẽ cảm nhận được đâu đó sự bế tắc. Thậm chí, mọi tác phẩm trước năm 45 của ông đều rơi vào bi kịch, không tìm được lối thoát.

Các nhân vật sau khi chạm đến tận cùng bi kịch hoặc sẽ chết để tìm lối thoát, bảo vệ phần người còn lại. Hoặc sẽ sống lay lắt với những ước mơ đau đớn, không có ngày thành hiện thực.

Nam Cao đã tập trung hoàn toàn vào hiện thực trong phong cách sáng tác của mình. Hiện thực ở thời điểm đó đang xáo trộn, quằn quại trong những đoạn đường cuối bần cùng hoá. Đó chính là những cơn đói triền miên, những làng xóm tiêu điều đổ nát, sự tuyệt vọng đổ vỡ của con người. Sự tha hoá nhân cách, mâu thuẫn giai cấp cũng trở nên rõ rệt hơn bao giờ hết.

Quan điểm về nghệ thuật của Nam CAo

Nhà văn Nam CAo từng nói trong Đời thừa và Ánh trăng như sau:

“Chao ôi! Nghệ thuật không cần là ánh trăng lừa dối, không nên là ánh trăng lừa dối, nghệ thuật phải là tiếng đau khổ kia thoát ra từ kiếp lầm than”.

Hay:

“Một tác phẩm thật giá trị, phải vượt lên trên tất cả các bờ cõi và giới hạn, sẽ là một tác phẩm chung cho cả loài người. Nó phải chứa đựng được một cái gì lớn lao và mạnh mẽ, vừa đau đớn, lại vừa phấn khởi. Nó ca tụng lòng thương, tình bác ái, sự công bình… Nó làm cho người gần người hơn”.

Làng Đại Hoàng - quê nhà văn Nam Cao
Làng Đại Hoàng – quê nhà văn Nam Cao

Có thể thấy, nhà văn vẫn luôn dành sự trân quý đặc biệt cho những con người bần cùng trong xã hội. Dẫu nhân phẩm của họ bị tha hoá, nhưng ông vẫn nỗ lực để tìm ra vẻ đẹp nhỏ bé nhất, ẩn sâu tận cùng trong tâm hồn họ. Đây chính là tính nhân đạo được nhắc đến rất nhiều trong các tác phẩm của Nam CAo.

Phong cách nghệ thuật của nhà văn Nam CAo sau năm 1945

Cũng như những nhà văn khác của thời cuộc, ông nghe theo lời kêu gọi của cách mạng, sử dụng chính ngòi bút để chiến đấu và bắt đầu xoay đòn chế độ. Nam Cao đã từ bỏ những ám ảnh về cái đói, sự tha hoá để mang sứ mạng mới đến cho văn học của mình.

Ông ca ngợi những người anh hùng, kêu gọi người dân tham gia cách mạng. Điều này được thể hiện rõ ràng nhất trong tác phẩm Đôi mắt.

Sau này các tác phẩm của ông nghiêng về triết lý, suy tưởng. Tuy nhiên, nó cũng không còn in đậm dấu ấn cá nhân như những tác phẩm in trước cách mạng nữa.

Những nét đặc trưng trong phong cách sáng tác của Nam Cao

Đi sâu vào khai thác tinh thần, đời sống nội tâm của nhân vật

Chúng ta có thể thấy rằng tác giả luôn quan sát, miêu tả cực kỳ kỹ lưỡng những diễn biến cảm xúc của nhân vật. Ông luôn quan tâm đến đời sống tinh thần của những nhân vật, khai thác tâm lý, những biểu hiện cảm xúc đến từng chi tiết. Từ đó, đưa tác phẩm lên cao trào một cách trọn vẹn nhất. Khiến người đọc phải thả trôi, luận điệu cảm xúc theo từng câu văn của ông.

Nam Cao luôn biết cách khai thác nội tâm nhân vật
Nam Cao luôn biết cách khai thác nội tâm nhân vật

Điều này có thể thấy rất rõ trong “Chí Phèo”. Nam Cao đã đạt tới thành công khi đi sâu vào tâm lý nhân vật Chí Phèo để miêu tả trạng thái cảm xúc của hắn. Từ sự bức xúc khi bị ghẻ lạnh, coi thường, kinh tởm khi bị dụ dỗ cho đến sự ấm áp khi nhận được bát cháo hành.

Nam Cao luôn khéo léo trong việc khai thác cái tinh tế trong nội tâm. Từ đó, tạo nên những cốt truyện tuyệt vời với diễn biến cảm xúc đầy ấn tượng.

Có cách sử dụng phương pháp độc thoại nội tâm đầy khéo léo

Đây là nét đặc trưng trong phong cách nghệ thuật của ông. Có thể nói, ông chính là nhà văn tiêu biểu nhất trong việc sử dụng “độc thoại nội tâm” để khắc hoạ tâm lí nhân vật theo cách hoàn hảo nhất.

Sự thành thạo trong sử dụng ngôn ngữ đã được thể hiện qua những ngôn ngữ đối thoại rất đời thường. Không chỉ là tự sự, nó còn là công cụ thể hiện tính cách, nội tâm nhân vật. Bạn có thể nắm rõ điều này hơn qua các truyện ngắn tiêu biểu Lão Hạc, Sống mòn, Chí phèo.

Bằng ngôn từ của mình, Nam Cao thể hiện được quá trình đấu tranh tâm lý nhân vật gay cấn. Từ đó, giúp phơi bày nội tâm nhân vật một cách hoàn hảo nhất. Bạn đọc có thể hiểu được nhân vật nghĩ gì sau những quyết định đầy đau đớn mà họ đưa ra.

Coi trọng việc phản ánh thực tại đương thời và đưa ra tiếng nói sâu sắc về sự cảm thông với nhân dân cơ cực

Hình ảnh Nam Cao và những người bạn ngoài chiến khu
Hình ảnh Nam Cao và những người bạn ngoài chiến khu

Đối với nhà văn, việc phản ánh thực tại xã hội tối tăm như một sứ mệnh mà ông gánh vác thông qua từng áng văn của mình. Ông không chấp nhận việc chỉ phản ánh cái nhìn bề ngoài đơn giản mà bỏ qua những mặt tối, những góc khuất nghiệt ngã của cuộc đời.

Ông chính là tiếng nói đại diện cho nguyện vọng của nhân dân lao động bị cho là yếu thế, luôn vùng vẫy thoát ra khỏi nghèo đói, sự bóc lột, đoạ đày.

Kết cấu lắp ghép đặc sắc trong truyện ngắn Nam Cao

Trong các truyện ngắn của ông, sự xuất hiện của kết cấu Lắp ghép khá thường thấy. Nó giúp cảnh đời, những bức tranh về cuộc sống hiện thực lần lượt hiện lên một cách rõ ràng. Từ đó, giúp bạn đọc hiểu được sự tàn nhẫn, đau khổ.

Trong Chí phèo và Sống mòn, những cảnh đời, mảng hiện thực khác nhau hiện lên rõ nét. Thoáng nhìn, chúng chẳng có chút liên hệ nào nhưng thực ra lại rất khéo léo liên quan. Chúng lần lượt xuất hiện như những cảnh nhỏ trong một bộ phim, từ đó tập trung làm nổi bật tư tưởng của tác phẩm. Bằng cách này, Nam Cao đã thể hiện được sự phong phú, phức tạp và tàn nhẫn của cuộc sống này.

Chuyện chưa biết về nhà văn Nam Cao

Một con tem kỷ niệm ngày sinh nhật nhà văn
Một con tem kỷ niệm ngày sinh nhật nhà văn

Tiêu đề của phần này cũng là tên gọi của cuốn sách do Trần Thị Hồng biên soạn. Trong đó tập trung vào những điều sau:

  • Những dòng kỷ niệm
  • Chúng tôi đi tìm mộ cha
  • Những người thân của nhà văn Nam Cao
  • Cha tôi – Nhà văn Nam Cao
  • Những nhân vật trong tác phẩm của Nam Cao ngoài đời.

Theo mình nghĩ đây là một cuốn sách thú vị, do chính con gái nhà văn chắp bút. Bà cũng chính là nguyên mẫu trong nhiều truyện ngắn của nhà văn như Nước mắt, Trăng sáng. Nếu có thời gian, bạn hãy đọc cuốn sách này để hiểu thêm về nhà văn tài hoa bậc nhất của nước nhà nhé.

Những câu nói nổi tiếng của nhà văn Nam Cao

Cùng tìm hiểu về những câu nói hay của nhà văn Nam Cao nhé.

1.

“Một người đau chân có lúc nào quên được cái chân đau của mình để nghĩ đến một cái gì khác đâu? Khi người ta khổ quá thì người ta chẳng còn nghĩ gì đến ai được nữa. Cái bản tính tốt của người ta bị những nỗi lo lắng, buồn đau ích kỷ che lấp mất…”

Lão Hạc

2.

“Nghệ thuật không là ánh trăng lừa dối, không nên là ánh trăng lừa dối! Nghệ thuật có thể chỉ là tiếng đau khổ kia, thoát ra từ những kiếp người lầm than.”

Trăng Sáng

3.

“Sự cẩu thả trong bất cứ nghề gì cũng là một sự bất lương rồi. Nhưng sự cẩu thả trong văn chương thì thật là đê tiện.”

Sống mòn

4.

Hình ảnh Làng Vũ Đại
Hình ảnh ngôi nhà nguyên mẫu của Bá Kiến tại Làng Vũ Đại

“Kẻ mạnh không phải là kẻ giẫm lên vai kẻ khác để thỏa mãn lòng ích kỉ. Kẻ mạnh chính là kẻ giúp đỡ kẻ khác trên đôi vai mình.”

Sống mòn

5. 

“ Một tác phẩm thật giá trị, phải vượt lên bên trên tất cả bờ cõi và giới hạn, phải là một tác phẩm chung cho cả loài người. Nó phải chứa đựng một cái gì lớn lao, mạnh mẽ, vừa đau đớn lại vừa phấn khởi. Nó ca tụng lòng thương, tình bác ái, sự công bình…Nó làm cho người gần người hơn.”

Đời thừa

6.

“Chao ôi! Ðối với những người ở quanh ta, nếu ta không cố tìm mà hiểu họ, thì ta chỉ thấy họ gàn dở, ngu ngốc, bần tiện, xấu xa, bỉ ổi… toàn những cớ để cho ta tàn nhẫn; không bao giờ ta thấy họ là những người đáng thương; không bao giờ ta thương”

Lão Hạc

7. ​

“Nhiều người không biết gì là tự trọng chỉ vì không được ai trọng cả. Làm nhục là một cách rất diệu để khiến người sinh đê tiện”

8. 

“Người ta chỉ xấu xa, hư hỏng trước đôi mắt ráo hoảnh của phường ích kỷ. Và nước mắt là tấm kính làm biến hình vũ trụ”

9.

“Hỡi ơi! Thì ra lòng khinh, trọng của chúng ta có ảnh hưởng đến cái nhân cách của người khác nhiều lắm; nhiều người không biết gì là tự trọng, chỉ vì không được ai trọng cả; làm nhục người là một cách rất điệu để khiến người sinh ra đê tiện.”

10.

“Nghĩ ngợi làm gì nữa? Ở cảnh chúng ta lúc này, hạnh phúc cũng chỉ là một cái chăn hẹp. Người này co thì người kia bị hở. Đâu phải tôi muốn tệ? Nhưng biết làm sao được? Ai bảo đời cứ khắt khe vậy? Giá người ta vẫn có thể nghĩ đến mình mà chẳng thiệt gì đến ai!…”

11.

“Đời là tất cả nhưng cũng chẳng là ai.”

12.

“20 tuổi, người ta không là đá, nhưng cũng không hoàn toàn là xác thịt. Người ta không thích cái gì người ta khinh.”

13.

“Thật ra thì dù không bằng lòng với hiện cảnh của mình, cũng không mấy người dám mạnh bạo tìm những cuộc đổi thay. Cái chưa biết bao giờ cũng làm cho người ta sợ.”

Một số câu hỏi liên quan tới Nam Cao

Mộ nhà văn Nam Cao nằm ở đâu?

Trên đường công tác tuyên truyền thuế nông nghiệp, Nam Cao hy sinh tại Hoàng Đan – Ninh Bình vào năm 1951. Sau đó, ông được nhân dân chôn cất cùng với đồng đội trong 1 nấm mồ. Mộ ông được chuyển tới nghĩa trang Gia Viễn – Ninh Bình trong những năm chiến tranh tàn khốc thảm thương.

Giầy tờ, tài liệu sử dụng trong chuyến tìm mộ nhà văn Nam Cao
Giầy tờ, tài liệu sử dụng trong chuyến tìm mộ nhà văn Nam Cao
Giầy tờ, tài liệu sử dụng trong chuyến tìm mộ Nam Cao
Giầy tờ, tài liệu sử dụng trong chuyến tìm mộ Nam Cao

Qua nhiều lần bão lụt, thiên tai, mộ ông được di dời nhiều lần. Cuối cùng, sơ đồ mộ chí bị thất lạc khiến việc tìm kiếm hài cốt của ông rất khó khăn.

Đến đầu năm 1996, chương trình “Tìm lại Nam Cao” được Hiệp hội câu lạc bộ Unesco Việt Nam tổ chức với 35 đơn vị tham gia. Trong đó nổi bật là những tên tuổi sau:

  • Bộ Lao động Thương Binh – Xã hội
  • Hội Nhà văn Việt Nam
  • Báo Nhân dân
  • Phan Thị Bích Hằng
Mộ phần của nhà văn Nam Cao
Mộ phần của nhà văn Nam Cao

Áp dụng phương pháp ngoại cảm cùng với sự đối chiếu rõ nét. Cuối cùng, Nam Cao đã được đưa về yên nghỉ tại quê nhà (xã Hoà Hậu – Lý Nhân). Đây chính là nơi mà ông đã sống, sáng tác và viết nên những tác phẩm sống mãi cùng năm tháng.

Tác phẩm đôi mắt của nhà văn Nam Cao nói về ai?

Đôi mắt – Nam Cao là một truyện ngắn phản ánh bản chất con người rất rõ nét. Theo nhiều nguồn tin, nhân vật chính trong tác phẩm này của ông là nhà văn Vũ Bằng.

Ở đây, từ đôi mắt vừa có nghĩa đen, vừa mang nghĩa bóng về cách nhìn nhận với thời cuộc. Dù còn nhiều tranh cãi về nhân vật chính, đây vẫn là tác phẩm tiêu biểu được nhiều bạn đọc yêu thích.

Chí Phèo có thật không? Chí Phèo tên thật là gì?

Dù có nguyên mẫu thực tế, tuy nhiên không có thông tin nào cho thấy tên thật của nhân vật này.

Làng Vũ Đại có thật không?

Ngôi làng này có thật, nó được gọi là làng Đại Hoàng – chính là quê hương của Nam Cao. Khi viết truyện, ông đã đặt tên trệch đi nhằm tránh điều tiếng và rắc rối. Hiện tại, ngôi làng này nổi tiếng với món “cá kho làng Vũ Đại”.

Hình ảnh quảng bá tour du lịch "Tái hiện Tết xưa" ở làng Vũ Đại
Hình ảnh quảng bá tour du lịch “Tái hiện Tết xưa” ở làng Vũ Đại
Món cá kho nổi tiếng của người dân nơi đây
Món cá kho nổi tiếng của người dân nơi đây
Bản vẽ Làng Vũ Đại
Bản vẽ Làng Vũ Đại

Đôi dòng cảm nghĩ cá nhân

Nhà văn Nam Cao đã từng nói rằng:

Sự cẩu thả trong bất cứ nghề gì cũng là một sự bất lương

Đời thừa

Đối với bản thân mình, Nam Cao không chỉ là một nhà văn hiện thực. Ông còn là người thể hiện những góc nhìn cuộc sống với cái nhìn nhân văn, tuyệt diệu nhất. Ông làm nghề một cách tâm huyết, chứa đầy sự trân trọng trong từng con chữ.

Chỉ sống một cuộc đời rất ngắn, nhưng Nam Cao đã để lại cho đời nhiều tác phẩm đồ sộ. Từ đó, giúp chúng ta có được một góc nhìn độc đáo về xã hội Việt Nam thời điểm ấy.

Cá nhân mình thích những truyện ngắn, tác phẩm của Nam Cao trước cách mạng hơn. Ở đó, mình nhìn thấy sự nhân văn, cảm thông sâu sắc. Và ở mỗi tác phẩm, ông cũng nỗ lực không ngừng để làm nổi bật những nhân vật, những mảnh đời khác nhau.

Về những tác phẩm sau cách mạng, mình thấy ông viết thiên về tuyên truyền. Rõ ràng những tác phẩm này không quá cứng ngắc hay đậm mùi tuyên giáo như mình thấy ở nhiều nhà văn khác. Nhưng có một điều gì đó trong những tác phẩm cũ không còn nữa. Và điều này khiến mình thực lòng hối tiếc.

Văn học không chỉ mang tính cá nhân, nó phải đảm bảo được mục đích cộng đồng cũng như thị hiếu chung. Và Nam Cao đã khéo léo dung hoà được điều đó. Ông đã thể hiện trọn vẹn cái tôi, vừa làm rõ tấm lòng nhân đạo của mình dành cho những phận đời nhỏ bé.